Sông đông êm đềm

“Sông Đông êm đềm” là bộ tiểu thuyết vĩ đại nhất của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov được ông sáng tác khi mới 21 tuổi. Tác phẩm đã đem lại cho Sholokhov giải Nobel văn học danh giá vào năm 1965.

Bạn đang xem: Sông đông êm đềm

*

Sơ lược về nội dung

Sông Đông êm đềm miêu tả những diễn biến phức tạp của làng Cossack ven sông Đông với nhân vật chính là Gregori Melekhov trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động từ 1912 đến 1922, giai đoạn này xảy ra Chiến tranh thế giới I (1914-1918) và Nội chiến Nga (1918-1922).

Gregori Melekhov là con thứ hai trong một gia đình ông nội là người Cossack, bà nội là người Thổ Nhĩ Kỳ, một gia đình bị dân làng kỳ thị vì có lối sống kỳ lạ. Gregori là một chàng trai trẻ, bồng bột, đem lòng yêu Aksinia, vợ một người hàng xóm và nhằm ngăn cản mối quan hệ này, gia đình Melekhov cưới Natalia cho chàng.

Để được sống bên nhau, Gregori và Aksinia đã cùng nhau bỏ nhà đi làm thuê. Tủi nhục, uất ức, Natalia đã quyên sinh nhưng không chết. Khi đến tuổi đi lính, cùng với những chàng trai Cossack khác, Gregori lên đường nhập ngũ chiến đấu chống lại quân Áo, Đức trong những năm đầu của Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong một trận đánh, do cứu sống một Trung tá bị thương, chàng được tặng Huân chương thánh Gorge nhưng điều đó không làm chàng tự hào, chàng thấy được tính chất tàn bạo, vô nghĩa của chiến tranh và luôn day dứt về điều đó. Ở quê nhà, Aksinia sống trong cơ cực, cô đơn, tuyệt vọng, đứa con đầu lòng cũng không sống nổi vì bệnh tật, nen nàng đã chấp nhận mối quan hệ với Evgeni, con trai của chủ nhà. Bị thương và về phép, biết được chuyện của Aksinia, Gregori quay trở về sống với Natalia và sau khi chàng trở lại quân ngũ ít lâu thì Natalia sinh đôi một trai, một gái.

Cảnh trong phim “Sông đông êm đềm”

Cách mạng tháng Mười nổ ra, quân Nga ký hiệp ước với Đức để rút chân khỏi cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc hao người tốn của, để rồi bước vào cuộc nội chiến cũng đẫm máu không kém. Gregori bị xô đẩy hết từ “bên Đỏ” rồi lại sang “bên Trắng”. Mặc dù chán ghét chiến tranh nhưng vó ngựa Gregori vẫn phải phiêu bạt khắp các chiến trường, lao vào những trận đánh đẫm máu bởi nếu chàng không chiến đấu thì chỉ còn đường chết mà thôi.

Trong cuộc chiến tuyệt vọng, vô nghĩa ấy, Gregori tìm thấy sự an ủi khi vẫn yêu Aksinia và họ đã nối lại quan hệ. Nhưng chính điều này khiến Natalia tuyệt vọng, nàng quyết định bỏ đi giọt máu của mình với Gregori mà nàng đang mang trong người rồi chết do băng huyết. Không lâu sau, con gái của Gregori và Natalia cũng chết do thiếu thốn, bệnh tật. Những cái chết trong “Sông đông êm đềm” đều hết sức bi thương.

Sau khi giải ngũ về quê, Gregori chán ghét cảnh chém giết trên chiến trường chàng chỉ mong có một cuộc sống bình yên cùng Aksinia. Nhưng em gái Gregori và Miska Kosevoi, một người bạn của chàng đã trở thành đại diện cho chính quyền Xô viết luôn đe dọa chàng phải trả giá cho những gì đã gây ra khi chống lại chính quyền mới.

Trước nguy cơ bị bắt giam và xét xử, Gregori bỏ trốn theo quân thổ phỉ của Fomin. Chính quyền Xô viết ngày càng được củng cố và toán phỉ của Fomin không còn đất dung thân, Gregori đem Aksinia bỏ trốn đi một nơi xa mong có được cuộc sống yên ổn nhưng trên đường trốn chạy bị phát hiện, truy đuổi, Aksinia trúng đạn chết trên tay chàng. Cùng trong lúc này, Gregori đã đem tất cả vũ khí thả xuống sông Đông như một hành động giã từ vũ khí. Trở về vùng sông Đông, chàng gặp lại con trai. Gia đình chàng lúc này đã tan nát: bố mẹ đã mất, anh trai (lính bảo hoàng) bị em rể (hồng quân) giết, vợ chết, con gái chết, Aksinia chết,… tất cả những gì còn lại của Gregori trên đời là đứa con trai duy nhất. Hình ảnh cuối cùng của bộ tiểu thuyết là cảnh Gregori bồng đứa con về nhà. Một hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng cũng rất đỗi thương tâm và hẳn không ít người đã cầu nguyện cho hai con người ấy có một tương lai yên bình.

*
Cảnh trong phim “Sông đông êm đềm”

Cảm nhận “Sông Đông êm đềm”

Tôi đọc “Sông Đông êm đềm” trong tâm trạng của người đã đọc nhiều cuốn sách rất khó đọc và nhàm chán. Khoảng mấy chục trang đầu của tác phẩm cũng khá là tẻ nhạt khi tác giả mô tả cuộc sống thường nhật, quẩn quanh của gia đình Melekhov. Nhưng dần dần, ta sẽ cảm thấy hứng thú và bị cuốn hút vào những câu chuyện và bi kịch của các nhân vật dần được đẩy lên cao trào trong cơn biến động dữ dội của lịch sử.

Trong cuốn “Sông Đông êm đềm”, tính cách nhân vật được xây dựng rất chân thực. Đó là một Gregori táo bạo, chính trực, đầy lòng tự trọng nhưng cũng có những mặt xấu như thô bạo, ít nhiều tàn nhẫn. Đó là Askinia quyến rũ, dám đứng lên đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để được yêu thương nhưng cũng có lúc không vượt qua được bản năng rất đàn bà, ngã vào vòng tay người khác. Đó là Natalia với bản tính yếu đuối, nhu nhược, cam chịu nhưng nhất mực thủy chung, dịu dàng và đằm thắm,…

Các nhân vật đều hiện lên hết sức chân thực, như chính cuộc sống vậy. Đã gần mười năm kể từ khi tôi đọc “Sông đông êm đêm”, nhưng nhân vật chính của tác phẩm Gregori vẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Như nhớ về một con người mà mình đã tiếp xúc vậy. Với tôi, tác giả xây dựng thành công tính cách của nhân vật thì phải xây dựng được dạng nhân vật với tất cả tính phức tạp của một con người, chứ không như là một con rối để tác giả truyền đạt tư tưởng nào đó. Nhân vật Gregori trong “Sông đông êm đêm” là một con người như thế.

Nhân vật Gregori trong tác phẩm cho ta cảm giác vừa yêu vừa ghét, vừa kính trọng, nể phục nhưng cũng vừa khó chịu về tính thô bạo của anh. Nhưng trên hết, anh là một người tràn đầy tình yêu thương, rất người, rất Cossack.

Xem thêm: Dép Quai Hậu 3 Quai Hậu Nữ Đẹp 3 Quai Chất Lượng, Giá Tốt 2021

Tác giả Sholokhov đã rất dũng cảm khi xây dựng lên một Gregori hoàn toàn không phải là người có lí tưởng cách mạng, không phải là người có thể chết vì lí tưởng cách mạng. Bằng chứng là anh hết từ “bên Đỏ” rồi lại sang “bên Trắng”. Nhưng trái với nhận định của nhiều người, tôi cho rằng không phải Gregori là người thiếu lập trường, mà anh là người thực tế. Chẳng hạn khi bị bên “Đỏ” – chỉ Hồng Quân, đấu tố và có khả năng bị giết, thì dĩ nhiên là cần phải chạy trốn, ở đây anh lựa chọn chạy sang bên “Trắng”. Đó là cái bản năng rất người, rất chân thực. Và tôi thích tác giả xây dựng tính cách nhân vật như vậy.

Với lối viết hết sức chân thực, không màu mè, truyền cảm, ta như hòa mình vào thế giới nhân vật, vào không khí truyện. Cảm thấy một bầu không khí hết sức u ám và ngộp thở của những năm nội chiến Nga, nhưng cũng thấy đâu đó le lói một niềm tin về những con người trong biến động dữ dội của lịch sử mà vẫn khao khát yêu thương, khao khát một cuộc sống yên bình.

*
Cảnh trong phim “Sông đông êm đềm”

Tranh cãi về vấn đề tác giả

Trong một thời gian dài, tác phẩm “Sông đông êm đêm” bị nghi là đạo văn từ tác phẩm của một của một nhà văn khác – sỹ quan Bạch vệ Fyodor Kryukov, người đồng đội đồng hương của Sholokhov đã mất năm 1920.

Đã có rất nhiều người ủng hộ Sholokhov nhưng cũng không ít người phản ứng gay gắt. Với cá nhân tôi, ở quan điểm một người ngoài cuộc, sau khi tìm hiểu kỹ thân thế, sự nghiệp Sholokhov, cùng với đọc và tìm hiểu “Sông đông êm đêm” thú thực tôi có thể khiến một số người thất vọng. Tôi cũng rất nghi “Sông đông êm đêm” có phải là của Sholokhov hay không.

Sholokhov sinh năm 1905, là người ít học, ông chỉ học bốn năm cấp I ở trường làng rồi bỏ học đi theo Hồng quân khi mới 13 tuổi. trong khi “Sông Đông êm đềm” miêu tả một giai đoạn lịch sử mười năm từ 1912 đến 1922. Tức là tác giả lúc đó còn quá trẻ để trải nghiệm một cái gì đó. Sholokhov viết “Sông Đông êm đềm” năm 1926, khi mới 21 tuổi. Độ tuổi ấy mà viết được một cuốn sử thi vĩ đại, chân thực, và hay như vậy thì hẳn ông phải là một nhà văn kỳ tài. Nhưng như tất cả mọi người đều biết, sau “Sông Đông êm đềm” thì ông không hề có tác phẩm nào nổi trội.

*
Mikhail Sholokhov năm 1938. Ảnh: wikipedia

Tôi nghĩ một người viết ra cuốn này thì không thể nào tưởng tượng ra được. Tác giả hẳn là người có cuộc đời cũng phức tạp, bi thương chẳng kém gì Gregori, nhân vật chính của tác phẩm. Nguyên liệu của văn chương chính là đời sống, là những điều nhà văn đã từng trải qua. Đặc biệt với một tác phẩm hết sức hiện thực như “Sông Đông êm đềm” thì vốn sống ấy phải rất phong phú, phải là những điều tác giả đã từng lăn xả. Nếu “Sông Đông êm đềm” là tác phẩm cổ tích như Harry Potter thì tôi còn tin là của Sholokhov, bởi tác phẩm kiểu này thiên về trí tưởng tượng, nếu người có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú, có thiên phú về văn chương nữa thì có thể viết ra được ở độ tuổi 21, mặc dù vẫn rất khó tin, nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Còn với tác phẩm “Sông Đông êm đềm” ngồn ngộn tính hiện thực ấy, cần phải là người có vốn sống, trải đời, tài quan sát tinh tế,…

Đó là chưa kể viết tiểu thuyết là điều không đơn giản, nó không dễ dàng như làm thơ, chỉ cần chút năng khiếu là có thể làm được. Viết tiểu thuyết cần có kỹ năng viết, cái này sẽ dần hoàn thiện trong quá trình sáng tác, có tư duy bao quát, trí nhớ cực tốt,… cần rất nhiều yếu tố mới có thể viết thành công một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết “Hy vọng” đầu tay của tôi phải viết đi viết lại trên 50 lần mới bắt đầu ra “hình” một cuốn tiểu thuyết. Cuốn “Chiến tranh và Hòa bình” nghe nói Lev Tolstoy phải sửa đi sửa lại 10.000 lần,… Viết tiểu thuyết là không dễ dàng. Tôi nghĩ độ tuổi 21 giỏi lắm chỉ viết được tác phẩm cỡ “Thời xa vắng” của Lê Lựu thôi, để ra được tác phẩm đoạt giải Nobel văn chương như “Sông Đông êm đềm” thì rất không thực tế!

Thêm một nghi ngờ nữa, “văn là đời, văn là người”, hai câu này là phổ biến trong sách giáo khoa. Thường thì một tác phẩm văn học sẽ mang bóng dáng của cuộc đời tác giả. Như nhà văn Nam Cao ngoài đời hóa thân thành nhà văn Hộ trong “Đời thừa”, hay ông giáo Thứ trong “Sống Mòn”. Nội dung “Sông Đông êm đềm” khi so sánh với tiểu sử tác giả ta cũng thấy chẳng có liên quan gì mấy. Câu chuyện của “Sông Đông êm đềm” bắt đầu năm 1912, khi ấy tác giả mới có 7 tuổi. Tác giả cũng từng tham gia nội chiến Nga khi 13 tuổi, nhưng không có cái sự phức tạp lúc bên “Đỏ”, lúc bên “Trắng”, cũng không thể có được cái tình cảm đan xen chồng chéo như của nhân vật Gregori.

Một điều khác nữa, như tôi đã nói ở trên, nhân vật Gregori hoàn toàn không phải là người có lí tưởng cách mạng, không phải là người có thể chết vì lí tưởng cách mạng. Khi “Sông Đông êm đềm” được ra đời còn bị đề nghị cắt bớt đi một số đoạn bị coi là “không phù hợp” vào thời bấy giờ. Trong khi Sholokhov là người thuần Cộng Sản, trong tiểu sử của ông chưa hề thấy sự dao động nào về mặt tư tưởng.

Năm 1984, tập thể các nhà khoa học Bắc Âu đã áp dụng các phương pháp khoa học để dùng máy tính phân tích, so sánh tác phẩm “Sông Đông êm đềm” với các tác phẩm khác của Sholokhov và kết luận “Sông Đông êm đềm” là tác phẩm của ông. Thông tin này xác thực đến đâu tôi cũng không rõ. Nhưng máy móc cũng có giới hạn của nó, hơn nữa, đạo văn không nhất thiết phải bê nguyên xi tác phẩm của người khác thành của mình, hoàn toàn có thể viết lại theo giọng văn của mình trên ý tưởng người khác. Mặt khác, một nhà văn khi chịu ảnh hưởng bởi một tác phẩm lớn nào đó rất dễ viết theo phong cách của tác phẩm đó, dù vô tình hay hữu ý. Và biết đâu chính “Sông Đông êm đềm” đã định hình phong cách cho Sholokhov? Đấy là chưa kể việc dùng máy móc để định tính cho một thứ tinh thần cũng cần phải xem xét. Năm 1984, máy móc còn rất thô sơ chứ chưa có trí tuệ nhân tạo như bây giờ, trí thông minh của nó còn kém xa con người, nên kết luận của thứ máy móc hồi đó tôi cho rằng chưa chắc đã đáng tin.

Quả thực “Sông đông êm đêm” được sáng tác bởi Sholokhov là điều rất khó giải thích. Nên tôi nghiêng về việc nó là của viên sĩ quan Bạch Vệ. Đây là tôi đứng trên góc độ khách quan của người có chuyên môn về lí luận văn học ở trường đại học cũng như là người trực tiếp sáng tác. Tôi không có yêu hay ghét Sholokhov, mà chỉ nói rằng độ tuổi 21 rất khó viết được một tác phẩm lớn như vậy, ngay cả với một người được định hình, đào tạo ngay từ bé rằng đến năm 21 tuổi anh phải viết được tác phẩm như vậy thì cũng không dễ dàng chút nào. Như Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev Tolstoy, để viết được tác phẩm này ông phải lăn xả chiến trường hằng bao nhiêu năm, đi nhiều viết nhiều rồi mới thai nghén ra được một tác phẩm để đời. Trong khi cá nhân tôi đánh giá “Sông đông êm đêm” thậm chí còn cao hơn Chiến Tranh và Hòa Bình một bậc.

Nhưng ta cũng không nên trách Sholokhov, nếu “Sông đông êm đêm” mà không mang danh Sholokhov, thay vào đó là một viên sĩ quan Bạch Vệ thì liệu tác phẩm có được xuất bản không, có được người đời biết đến không? Tôi nghĩ là không dễ dàng. “Sông đông êm đêm” mà không được xuất bản, không được mọi người biết đến thì đó thực sự là tổn thất lớn cho nền văn học thế giới.

Dù sao thì “Sông đông êm đêm” vẫn là một tác phẩm văn học cực hay, tôi cho rằng đây là một trong những tác phẩm hay nhất trong lịch sử văn học Nga. Tác phẩm đã đem đến cho Sholokhov giải thưởng Nobel văn chương danh giá năm 1965, tuy còn nhiều tranh cãi về tác giả nhưng “Sông Đông êm đêm” xứng đáng được giải thưởng Nobel văn chương là điều không ai có thể phủ nhận.